Nhận định Đặng Thị Khuê

Nghệ thuật sắp đặt

Đặng Thị Khuê được xem là một trong những họa sĩ tiên phong trong nghệ thuật sắp đặt tại Việt Nam.[19] Sự kết nối thời gian và cộng đồng là chủ đề chính trong các tác phẩm sắp đặt của Đặng Thị Khuê.[4] Các tác phẩm mà bà thực hiện đều hướng đến sự hòa quyện không gian thẩm mỹ với không gian xã hội.[20] Thay vì chịu ảnh hưởng của các phương pháp sáng tác được học trong nhà trường và những bậc thầy trong làng mỹ thuật Việt, Đặng Thị Khuê quyết định tìm con đường riêng, bà chọn tự sáng tác theo những cảm thức về thân phận, về khát vọng sống. Các sáng tác của bà cũng mang xu hướng trở lại cội nguồn dân tộc, niềm cảm hứng sáng tạo từ ký ức tuổi thơ, từ không gian văn hóa làng xã Việt Nam với những đình chùa, lễ hội dân gian.[2]

Đặng Thị Khuê bắt đầu nghệ thuật sắp đặt từ siêu thực, rồi đến sắp đặt có quy mô, tái hiện những không gian tâm linh. Khác với các đồng nghiệp đương thời cùng thế hệ, tác phẩm của Đặng Thị Khuê chú tâm vào sự tương tác, hướng đến chiều sâu tâm thức, ký ức.[2] Đặng Thị Khuê còn là một họa sĩ nổi tiếng trong giới mỹ thuật Việt Nam với các bức tranh mang phong cách lập thể về đề tài chiến tranh Việt Nam ở những thập niên 1970 và 1980 như "Giặc Mỹ", "Thương binh về làng", "Gia đình bộ đội". Nữ họa sĩ này được nhận định có một bút pháp rắn rỏi, mạnh mẽ, được coi là táo bạo tại thời điểm đó.[21] Song sự thay đổi lớn trên hành trình sáng tác của Đặng Thị Khuê đã gây ra cảm giác vừa "bất ngờ" vừa "nghi ngại" cho một số đồng nghiệp cùng thế hệ. Có nhiều ý kiến đã tỏ ra băn khoăn khi xem các tác phẩm sắp đặt của bà, họ nghi ngại khi gọi đó là nghệ thuật sắp đặt.[21]

Khía cạnh khác

Đặng Thị Khuê cũng là người có đóng góp tích cực với tư cách của một nhà hoạt động quản lý trong phong trào sáng tác của nghệ sĩ trẻ với nhiều tìm tòi, góp phần vào sự nghiệp đổi mới của mỹ thuật Việt Nam.[2] Một tờ báo đánh giá tác phẩm của bà mang chất "mạnh mẽ cá nhân" nhưng cũng "chứa đầy sự nữ tính" theo cách riêng của người phụ nữ Việt Nam.[3]

Bình luận về quan điểm bình đẳng giới của người phụ nữ Việt Nam, tạp chí Tuyên giáo cho biết Đặng Thị Khuê quan sát sự bình đẳng này dưới "con mắt của người từng trải".[22]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đặng Thị Khuê http://baovanhoa.vn/am-thuc/artmid/2071/articleid/... http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/307823/trao... http://dlib.huc.edu.vn/bitstream/123456789/976/1/N... http://ape.gov.vn/trien-lam-nhan-dien-va-ket-noi-c... http://vanhoanghethuat.vn/dac-tinh-a-dong-trong-mo... https://vnexpress.net/dang-thi-khue-ban-chat-nghe-... https://vnexpress.net/hom-nay-khai-mac-trien-lam-3... https://web.archive.org/web/20141231074847/http://... https://web.archive.org/web/20230120132447/https:/... https://web.archive.org/web/20230120132449/https:/...